GIẢI PHÁP LỰA CHỌN KÍNH CHO NHÀ CAO TẦNG
GIẢI PHÁP LỰA CHỌN KÍNH CHO NHÀ CAO TẦNG
Như chúng ta đều biết cửa sổ là một bộ phận không thể thiếu vắng ở bất kỳ ngôi nhà nào, nhất là trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm như ở nước ta. Cụ thể hơn, nó có chức năng lấy ánh sáng, thông gió, ngăn tiếng ồn và chống trộm. Tất nhiên, về mặt mỹ quan, cửa sổ làm cho ngôi nhà thêm đẹp, thêm xinh nếu như được bố trí hợp lý.
Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Xây dựng ở Việt Nam trong những năm gần đây, thì kính là vật liệu chính cùng với nhôm trong các toà nhà cao tầng.
Tuy nhiên, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm Việt Nam, kính xây dựng không phải lúc nào cũng phát huy hết ưu điểm và sử dụng hợp lý. Bên cạnh tính năng vượt trội của các vật liệu khác không có được, chúng ta cũng cần chú ý đến những tác động ngược chiều của kính.
Một hiện tượng xảy ra khi dùng nhiều kính trong kết cấu ngăn che công trình là hiệu ứng nhiệt: sau khi bức xạ qua kính vào nhà sẽ làm cho các bề mặt nóng lên, tiếp sau đó lại bức xạ ra ngoài. Kết quả là nhiệt độ tăng dần và gây cảm giác khó chịu, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người. Ðó là hiện tượng nhà kính, tức là có sự tăng nhiệt độ trong không gian kín bao bọc bởi kính dưới bức xạ mặt trời (truyền nhiệt bức xạ vào trong nhà và khó thoát nhiệt ra ngoài bằng đối lưu).
Trong thiết kế quy hoạch đô thị, khi sử dụng các mảng kính lớn trên đường phố cũng cần tính toán đầy đủ về diện tích lắp kính, khoảng cách công trình, dải cây xanh cách ly: nhằm hạn chế sự phản xạ ánh sáng qua lại từ các toà nhà trên đường phố, gây chói loá cho con người và các phương tiện tham gia giao thông.
Kính rất dễ vỡ, và rất nguy hiểm khi nó ở trên các toà nhà cao tầng. Trong quy phạm xây dựng ở nước ta hiện nay đối với các chung cư cao tầng từ tầng 5 trở lên là bắt buộc phải sử dụng kính an toàn. Ðặc biệt khi xảy ra cháy nổ, khả năng chịu nhiệt của nó rất kém. Những nhược điểm này luôn đề ra cho các nhà sản xuất kính nhiệm vụ nâng cao khả năng chịu lực và nhiệt của kính. Ðối với xây dựng nhà cao tầng ở vùng nhiệt đới, một trong những chiến lược thiết kế là lựa chọn vật liệu bề mặt cho công trình có trị số truyền nhiệt thấp để hạn chế tối đa tác động bất lợi của bức xạ và ánh sáng mặt trời tác động lên công trình. Ngoài ra, vật liệu kính còn phải có khả năng chịu tác động ngang của tải trọng gió tăng dần theo chiều cao công trình, mà nhà cao tầng là một thách thức đáng kể.
Vậy đối với nhà cao tầng nên lựa chọn kính như thế nào?
Từ những yêu cầu trên, chúng tôi đã đưa ra giải pháp là lựa chọn kính hộp an toàn, cách âm, cản nhiệt.
Kính này được cấu tạo bởi: (5mm VFG + 0.38mm PVB + 4mm Sunergy) + 6mm argon + 5mm Tempered.
Theo như hình vẽ ta thấy:
+ Lớp kính an toàn mặt ngoài (5mm VFG + 0.38mm PVB + 4mm Sunergy) được tạo thành bởi 02 loại kính liên kết với nhau thông qua lớp màng film PVB (Polyvinyl Butyral) trong suốt. Có tác dụng làm tăng cường độ chịu lực của tấm kính mà không làm thay đổi tính chất quang học; trong trường hợp kính bị vỡ, chúng sẽ rạn ra (theo kiểu mạng nhện) và dính vào nhau cùng mắc lại trên khung nhôm.
+ Lớp kính cường lực mặt trong là kính thường được gia công thành hình theo kích thước thiết kế, sau đó được đưa vào lò nung chảy đến điểm mềm rồi được làm lạnh từ từ trong các điều kiện được kiểm soát nghiêm ngặt. Quá trình tôi luyện này có tác dụng loại bỏ các ứng suất không đều của kính thường, đồng thời tạo ra ứng suất đồng đều trên toàn bộ tấm kính, đó chính là nguyên nhân tạo ra việc khi có một lực tác động đủ lớn để làm vỡ kính thì kính cường lực sẽ vỡ vụn như hạt ngô. Còn kính thường thì do các ứng suất liên kết không đồng đều nên không thể vỡ vụn. Kính temper có cường độ chịu lực cao hơn so với kính thường, vì vậy được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực: kính ôtô, máy bay, kính tấm lớn trong xây dựng...
Sử dụng kính hộp an toàn, cách âm, cản nhiệt là giải pháp tối ưu cho việc tiết kiệm năng lượng điện, khoản đầu tư ban đầu cho việc sử dụng sản phẩm này thấp hơn nhiều so với lợi ích nó mang lại, vì vậy ngày càng được sử dụng rộng rãi trong xây dựng và là sự lựa chọn sáng suốt của các chủ đầu tư.